Chữa bệnh sợ viết ^_^

Bạn sợ viết? Mình cũng từng dị đó, tới giờ nó cũng còn chứ chưa hết hẳn nhưng mà cái gì nó cũng có công thức và cách dung hòa cả. Quan trọng là mình tìm ra cách chưa hay không thôi.
Nhớ lúc mới bắt đầu viết 2 ngày mình còn không xong nổi một bài 1500 chữ. Cho nên bài viết này, từ chính kinh nghiệm của mình – một đứa từ cấp 1 tới cấp 3 học thiên bang A (Toán, Lý, Hóa), lớp 12 còn hên được vào lớp chọn nhờ điểm số môn tự nhiên tương đối tốt nhưng lớn lên lại rẽ hướng làm content và blogger. Mình sẽ chia sẻ lại hết những kinh nghiệm mình có để giúp bạn đối trị với căn bịnh này
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với bạn 8 bí quyết từ cách xử lý cảm xúc đến vài techniques trước khi chuẩn bị viết. Bắt đầu vào luôn nha… 💪
1. CHUẨN BỊ TƯ DUY RẰNG BẢN THÂN CHẮC CHẮN SẼ CÓ MẮC LỖI
Từ nhỏ, chúng ta được dạy là làm gì cũng phải cẩn thận kỹ càng và không được mắc lỗi. Và tư duy này theo chúng ta trên suốt cả hành trình trưởng thành và vào cả cách chúng ta viết.
Mình cũng đã có giai đoạn từng là nạn nhân của tư duy “cầu toàn” trong viết. Và không may tư duy này lại là nguyên nhân chính gây cản trở con đường phát triển sự nghiệp viết lách của mình.
Mình luôn có thói quen chuẩn bị mọi thứ quá kĩ vì không muốn mắc lỗi. Nhưng sự thật đó chỉ là một lý do biện minh cho sự chưa muốn bắt đầu của bản thân.
Để rồi sau mỗi công cuộc chuẩn bị đầy quy mô thì cảm hứng hừng hực muốn viết của mình cũng lụi tắt. Năng lượng của mình thay vì phải nên đặt vào bài viết thì mình lại đã lãng phí hết ở bước chuẩn bị và lo lắng rồi.
🌿 Vì vậy hãy cho phép mình được mắc lỗi để giúp bản thân thư giãn trong bước chuẩn bị. Từ đó chúng ta cũng sẽ dễ dàng để bắt đầu viết hơn.
2. XEM VIẾT LÀ ĐỂ CHIA SẺ CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ KHOE VĂN HAY CHỮ TỐT
Đây cũng là lối tư duy mình học được từ rất nhiều anh chị có tay nghề viết lão luyện trong lĩnh vực Content. Và nó đúng thật!
Mình đã đọc qua rất nhiều bài viết trên mạng câu chữ thì hoa mỹ nhưng đọc vào lại chẳng rõ nghĩa và “chạm tim” chút nào. Thậm chí, mình là người Việt mà còn phải tra từ điển Tiếng Việt khi đọc 😅
Chúng ta đều đã qua giai đoạn thi đua văn hay chữ tốt trên trường lớp. Giờ đây ta viết là để chia sẻ những kiến thức, giá trị trong cuộc sống thường ngày với nhau. Vậy sao không viết cho chân thật và dễ hiểu như cái cách mà mình nói chuyện với những người thân quen trong cuộc sống.
Viết có cảm xúc và viết cầu kỳ không giống nhau. Bạn viết càng chân thật và chân thành thì càng có cảm xúc trong khi viết cầu kỳ khó hiểu lại tập trung vào việc chau chuốt cho từng con chữ sao cho nghe thật ấn tượng.
Tuy rằng lối viết để chia sẻ có hơi “nông dân” nhưng mà nó giúp đối phương hiểu nhanh. Từ đó cũng thể hiện rằng mình tôn trọng thời gian của họ.
3. TẬP LÀM VIỆC “VÔ TRI”
Chắc nhiều bạn đọc đến đây sẽ thấy quen tai. Gần đây từ “vô tri” được sử dụng rất nhiều trong các câu nói đùa của lứa GenZ và mình cũng GenZ (hehe). Mình không rõ bắt nguồn của cụm từ này nhưng nó dùng để đùa trong những tình huống mà chúng ta mất khả năng nhận thức tạm thời =))))
Vậy tại sao chúng ta lại cần phải vô tri khi làm việc?!
Vô tri ở đây không phải là chúng ta mất nhận thức không biết mình đang làm gì mà là hãy để bản thân Vô Cảm Xúc một chút khi làm việc.
Chúng ta thường đặt ra cho bản thân rất nhiều kỳ vọng vô hình khi làm bất cứ việc gì. Và nó vô tình khiến chúng ta mất nhiều thời gian hơn để “dám” bắt đầu. Tệ hơn là khi kì vọng đặt cao mà kết quả không như ý thì lại càng khiến ta dễ lâm vào cảm xúc muốn bỏ cuộc sớm.
Kinh nghiệm của mình ở đây là chỉ cần điều đó tốt cho tình huống lúc bấy giờ của mình thì mình làm. Bớt kỳ vọng có khi lại khiến chúng ta có thể bền bỉ và đi xa hơn!
4. ĐỌC NHIỀU HƠN
Quan điểm này có lẽ bạn cũng đã được nghe ra rả khắp các ngóc ngách của các group hay blog về viết lách rồi và nó đúng nên mình muốn nhắc lại một lần nữa.
Nếu mình không có đủ trải nghiệm thì phải đọc nhiều hơn để bù đắp lại. Từ đó mới có thể viết một cách thuyết phục hơn được. Bạn có thể đọc từ sách giấy, đọc online hay chỉ đơn giản là đọc những mẩu content bạn cần tham khảo cho chủ đề hôm nay bạn muốn viết.
Có một câu được viết trong quyển “Atomic Changes” mà mình đã đọc được:

“Fix the inputs and the outputs will fix themselves”.

Tạm dịch: “Thay đổi được những gì bạn tiếp nạp thì tự động kết quả sẽ thay đổi theo”.
Trong trường hợp đọc sách cũng như vậy. Càng đọc bạn sẽ càng có nhiều ý tưởng và biết cách diễn đạt suy nghĩ của mình ra câu chữ.
5. TẬN DỤNG CÁC TEMPLATES CÓ SẴN ĐỂ VIẾT HAY HƠN
Template giống như chiếc bản đồ giúp bạn rõ đừng đi nước bước hơn trong lúc viết. Có rất nhiều những cấu trúc viết bài khác nhau như:
* Storytelling
* List post
* Detailed casetudy
* Vấn đề – Giải pháp
* Hướng dẫn quy trình
* Review sản phẩm
Và còn nhiều hơn thế này nữa.
Chuẩn bị sẵn templates rồi cứ tới dạng bài nào cần viết thì lấy templates ra làm thôi sẽ giúp chúng ta bình tĩnh và tận hưởng quá trình viết hơn rất nhiều.
(Mình có soạn sẵn 9 templates dành cho các dạng bài phổ biến cho blog và social platforms, i.b mình nếu bạn cũng cần nhé)
6. SỬ DỤNG TRANG WORD VỚI CHỮ MÀU TRẮNG TRÙNG MÀU NỀN
Đây là một chiêu mà mình học được từ kênh youtube của Web5ngay. Lúc mới bắt đầu viết mình còn sợ nhiều và cứ viết chốc là sửa. Sửa nhiều quá một lúc sau mất luôn cả mạch cảm xúc để viết 🙂
Để màu chữ trắng bạn sẽ không thấy gì hết và chỉ chỉnh sửa khi bạn viết xong. Từ đó bạn sẽ lấy lại được sự tập trung và có thể lắng nghe cảm xúc tốt hơn khi viết.
7. TẬN DỤNG CHATGPT ĐỂ VIẾT HAY HƠN
Bạn không làm việc một mình, BẠN CÓ TRỢ LÝ 🌟
Trường hợp này mình không cổ xúy cho việc để chatgpt viết bài cho bạn. Vì dù có như vậy thật thì cách nó viết cũng kì cục kẹo lắm. Tuy nhiên, chatgpt vẫn rất quyền năng khi bạn biết cách đặt câu hỏi cho nó.
Nhờ chatgpt mà mình đã tiết kiệm thời gian viết bài hơn rất nhiều. Thay vì trước đây mình phải google search rồi tổng hợp thông tin thì chatgpt đã giúp mình làm cả 2 bước này rồi.
Bạn hãy đặt những câu hỏi nhỏ và chi tiết cho nó, nó sẽ giúp bạn trả lời.
8. XEM MỌI QUÁ TRÌNH CHỈ LÀ MỘT LOẠI TRẢI NGHIỆM
Có một câu rất hay mình đọc được từ quyển “Luật Tâm Thức” mà mình không nhớ nguyên văn:

“Chúng ta là những linh hồn xuống Trái Đất để trải nghiệm cuộc sống dưới hình hài của một con người”

Nói như vậy thì viết cũng chính là một loại trải nghiệm. Sợ viết cũng chính là một loại trải nghiệm. Vậy thì phải chăng chúng ta cũng nên cho phép bản thân được “Sợ”.
Khi nhìn nhận việc viết như là một loại trải nghiệm, chúng ta có thể giảm bớt cảm giác lo lắng và căng thẳng. Từ đó, cảm nhận được rằng mỗi bài viết hay từng đoạn văn như là một cơ hội cho mình thể hiện ý tưởng, phát triển tư duy sáng tạo và khám phá thêm về bản thân.
—–
Vậy là mình đã chia sẻ xong 8 cách có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ khi viết từ chính kinh nghiệm ít ỏi của mình. Bằng cách áp dụng 8 phương pháp này, mình mong hành trình viết lách của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn 🫶
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác tại Facebook hoặc blog của mình tại linhoday chấm com nha. Chúc bạn mụt ngày thành công ❤️

About the author: nguyencuong

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *