Từ đau khổ đến sự cân bằng: Học cách xử lý sự dằn vặt trong cuộc sống hàng ngày

 Dằn vặt là một loại cảm xúc tự trả giá khi bạn làm gì đó vi phạm hệ thống niềm tin của chính mình.

Về mặt bản chất, vẫn là không có đúng sai nào thực sự ở đây nhưng bạn đang tự âm thầm quy định niềm tin nào đó của mình là đúng. Ngay khi phát sinh hành vi đi chệch với niềm tin đó thì sự khó chịu, dằn vặt sẽ xuất hiện như một cách để bạn tự thân trả giá cho chính mình để cân bằng lại cảm xúc. Tôi làm sai, chí ít là tôi còn đủ tử tế để thấy có lỗi, thấy dằn vặt bản thân. Mức độ dằn vặt đủ lớn sẽ thúc đẩy tôi tới những hành động sửa sai cụ thể nào đó – cảm giác khó chịu ấy sẽ nguôi ngoai và được cân bằng.

Vi phạm luật chơi cá nhân, bạn sẽ luôn rơi vào tình cảnh tự trả giá kiểu mâu thuẫn nội tâm mà ví dụ điển hình là sự dằn vặt và tự cân bằng nói trên. Còn nếu vi phạm luật chơi của xã hội mà bạn không đủ tinh tế hay hiểu biết để ý thức được thì đám đông sẽ bắt bạn phải trả giá bằng sự áp đặt về đạo đức hoặc luật pháp.

Đừng ngớ ngẩn và tin vào câu “bọn độc ác thường sống thảnh thơi” – đây là điển hình cho đối tượng sống kém hiệu quả nhất vì sớm muộn cũng bị ép phải trả giá bởi những thứ bên ngoài. Cứ cướp bóc đi rồi bạn sẽ sớm bị lấy đi gấp bội. Cứ gấu mèo đi rồi bạn sẽ rất dễ được làm cún con trong ngục. Cứ dối trá đi, rất nhanh thôi xung quanh bạn sẽ toàn mối quan hệ luơn lẹo bịp bợm.

Rút ra điều gì từ sự thật này?

Nếu còn chưa đủ tỉnh và vẫn cần bám víu vào những niềm tin thì cứ sống hết mình với nó, để kịp thời tự dằn vặt và cân bằng. Dù sao bạn vẫn đang được tự làm chủ hành vi, tự trả giá theo cách của mình. Chưa tỉnh táo, mà cũng không có niềm tin vào một điều tốt đẹp nào đó thì bạn sẽ liên tục bị đời ép trả giá theo cách khổ sở gấp nhiều lần.

Còn nếu đã bước trên con đường tỉnh táo rồi thì bạn luôn thấy rõ mọi thứ, hành vi sẽ luôn theo hướng đàng hoàng, hiệu quả một cách rất tự nhiên. Gặp khó chịu thì tìm về nơi dễ chịu, vướng chướng ngại vật thì đơn giản là vượt qua hoặc quay đầu. Không bao giờ cố tình gây tổn thương đối tượng khác, nhưng chẳng may ai đó vì mình mà tổn thương thì cũng không có lý do gì để phải dằn vặt. Đơn giản là thấy giúp được ai thì giúp hết mình, không có khả năng giúp thì cứ nhẹ nhàng bước đi.

Ý thức sâu sắc được rằng, việc của mình chỉ đơn giản là làm tốt nhất việc đang làm – là đủ để có quyền an yên bền vững. Lỡ có sai gì theo từ điển của xã hội thì tìm cách sửa nó, không cần phải ngồi đó rằn vặt điều gì. Và tỉnh táo nên không có chuyện cố tình gây hại, thế nên cũng hoàn toàn khả thi trong việc không cần thiết phải dằn vặt trong bất cứ trường hợp nào.

Quy đổi hết thành hành vi cần thiết phải làm lúc này là xong.

About the author: nguyencuong

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *