Nguyên tắc thứ nhất: Sự tử tế
Làm việc lớn không thể thiếu đi sự tử tế, thậm chí đây còn được xem là điều kiện tiên quyết. Những cái sai về bản chất, càng làm sẽ càng lung lay. Lung lay từ nhỏ, chưa đợi khi lớn mới lung lay.
Tuân theo sự tử tế, lúc ban đầu rất khó, nhưng càng về sau càng khiến người ta kiên vững – là nguyên tắc tiên quyết của người làm việc lớn.
Nguyên tắc thứ hai: Luôn luận giải vấn đề từ bản thân mình
Khi mình khó khăn, người đầu tiên có thể giúp mình xoay chuyển là chính mình. Khi gặp chuyện sai, người đầu tiên sai là mình, phải điều chỉnh chính mình trước. Phần người khác gác lại xét sau.
Nguyên tắc thứ ba: Biết trọng “bức tranh lớn”
Người làm việc lớn không sa đà vào so sánh thiệt hơn, bởi vì họ phân định rất rõ ràng: điều gì là phù du, cái gì là chuyện lớn.
Nếu là chuyện lớn, nhất định phải tập trung nguồn lực. Tiểu tiết nhỏ bé, không so đo toan tính quá nhiều.
Dĩ nhiên: không biết, không bận tâm rất khác với không xét nét. Người có lòng độ lượng, nhiều việc biết mà làm như không. Người có tầm nhìn, chỉ tác động vào những cái được xem là trọng yếu, đã tác động là sẽ tác động quyết liệt.
Nguyên tắc thứ tư: Dựa vào đạo lý, không dựa vào số đông
Chữ “minh” là một phẩm hạnh quan trọng của người làm được việc lớn. Đôi mắt sáng tỏ, nhìn đời thấu triệt, ấy là có chữ “minh”.
Nhiều chuyện trong cuộc đời, người nhìn sai đông hơn người nhìn đúng. Ta không thể dựa vào bề nổi của số đông, mà chỉ có thể dùng sự công tâm của mình mà luận và quyết. Đã luận đã quyết rồi thì không bận tâm quá nhiều về thái độ của người khác, chỉ bận tâm tới cái “đúng” thôi.
Nguyên tắc thứ năm: Yêu thương con người
Những người lên cao, chưa chắc đã hiểu quy luật của trời đất. Những vật nhỏ bé như hòn sỏi, con suối, có khi đã tự ôm chứa đất trời trong lòng rồi.
Người làm việc lớn là người có chí thâu cả thiên hạ. Lòng bao dung hiền từ thấu vạn kiếp người.
Không có lòng yêu thương con người, việc thành cũng thành việc sai. Không lấy con người làm đích đến, nỗ lực đến đâu cũng chỉ đi về một cái đích ích kỷ hẹp hòi.