Mình mới bước chân vào công việc sáng tạo nôi dung chưa lâu. Bắt đầu với nền tảng, kinh nghiệm, kiến thức ở con số không nên mình luôn muốn học hỏi, tìm cách để trở nên sáng tạo hơn như đúng cái tên của công việc.
Gần đây, mình đọc được bài viết “Làm thế nào để trở nên sáng tạo?” của James Clear – tác giả cuốn “Atomic Habits” và đang áp dụng công thức đó vào việc viết và sáng tạo nội dung hàng ngày.
Mình muốn chia sẻ những gì mình học được tới các bạn mới bước chân vào hành trình này như mình.
Bước 1: Cho phép bản thân tạo rác
Mình là một đứa chân ướt chân ráo đến với viết lách. Mình chưa bao giờ tự tin về kỹ năng viết của mình nhưng mình chấp nhận điều đó.
Viết là một kỹ năng. Vì vậy, để viết hay viết tốt luôn cần thời gian mãi giũa rèn luyện. Nếu ngồi chờ đợi đến một lúc mình có thể viết tốt mới viết thì có lẽ thời điểm đó sẽ không bao giờ đến. Thay vào đó, mình tự cho phép bản thân tạo “rác” như một cơ hội để rèn luyện kỹ năng viết.
Bước 2: Tạo ra một lịch trình
Mình không đợi đến lúc có cảm hứng mới viết mà thay vào đó mình tự tạo mục tiêu viết cho bản thân.
Lịch trình của mình là duy trì tần suất một bài một ngày trên fanpage và một bài một tuần trên blog.
Bước 3: Hoàn thành bài viết
Không chờ đợi sự hoàn hảo, bài viết cần phải được hoàn thành theo đúng lịch trình đã đặt ra.
Mình đã từng rơi vào cái bẫy của sự nghiên cứu. Mình dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm tài liệu trước khi viết bài rồi sau đó lang thang đọc hết cái này đến cái khác mà quên mất việc quan trọng nhất là bắt tay vào viết. Việc này thường diễn ra khi mình chuẩn bị cho bài viết trên blog.
Hiện tại, mình vẫn dễ bị sa vào việc nghiên cứu nhưng nhờ việc tự đặt deadline cho bản thân mà mình cũng giảm thiểu được phần nào vấn đề này.
Bước 4: Ngừng phán xét công việc của chính mình
Đánh giá công việc của mình sau mỗi chặng đường là quan trọng. Nó giúp mình nhìn ra những điểm mạnh, điểm yếu hay những điểm cần thay đổi để trở nên tốt hơn.
Nhưng sự phán xét khác với đánh giá. Lời đánh giá với mình thường sẽ là: ” À! Điểm này mình làm chưa tốt, mình có thể khắc phục bằng cách nào nhỉ?”. Ngược lại, lời phán xét sẽ là: “Tại sao mình lại kém cỏi đến vậy, có thế mà cũng không biết?”.
Đánh giá giúp mình có tư duy tích cực, tìm cách giải quyết còn lời phán xét sẽ khiến mình đi vào ngõ cụt.
Do đó mà như ở bước một, mình cho phép bản thân tạo “rác” và khắc phục dần thay vì chỉ trích bản thân đến mức không dám bắt đầu.
Bước 5: Tự chịu trách nhiệm (Chia sẻ công việc công khai)
Mình là người hướng nội nên những lần đầu công khai bài viết đều là một lần mình vượt qua trở ngại tâm lý.
Mình nhớ lần đầu tiên quyết định chia sẻ bài viết trên group nhỏ chỉ có mấy chục người cũng khiến mình đắn đo rất lâu. Rồi lần mình lập fanpage và chia sẻ bài viết vào các nhóm là quyết tâm sau mấy tuần suy nghĩ. Lý do vì mình ngại xuất hiện vì sợ người khác đánh giá, phán xét.
Nhưng sau khi chia sẻ công khai bài viết, mình nhận ra lợi ích to lớn của nó:
– Kết nối được với những người có cùng suy nghĩ
– Trau chuốt bài viết chỉn chu hơn, có trách nhiệm với bài viết hơn trước khi đăng
– Nhận được những phản hồi về bài viết giúp mình cải thiện bài viết hơn. Hiện tại, những bài viết của mình mới nhận được những góp ý rất tích cực, chưa bị chỉ trích. Nhưng mình cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc đó xảy ra. Mình cho rằng đó là một điều hết sức bình thường khi xuất hiện ở mạng xã hội.
Kết:
Mình vẫn đang tạo “rác”, chia sẻ và nhận phản hồi hằng ngày. Mình học được rằng sáng tạo hay viết lách không phải là một thứ cao siêu hay tài năng thiên bẩm mà là một kỹ năng có thể luyện tập được.
Điều quan trọng có lẽ không phải mình giỏi như thế nào mà là vượt qua điểm khởi đầu và kiên trì thực hiện lặp lại các bước trên.
Hy vọng, chia sẻ của mình có thể giúp ích một chút cho những bạn mới vào con đường “sáng tạo” như mình nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!