Không phải ngành hot: Đây mới là bí quyết giúp bạn không lo thất nghiệp!
Trong quá trình đi dạy, có rất nhiều bạn trẻ và các phụ huynh thường xuyên đặt câu hỏi với tôi: “Thời buổi này nên học gì? Hoặc nên cho con em theo ngành nào để không lo bị thất nghiệp?”
Quả thực chúng ta đang đứng trước thời đại biến động chưa từng thấy: suy thoái kinh tế, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo AI.. len lỏi vào từng ngóc ngách, khiến nhiều nhân sự, ngành nghề đứng trước nguy cơ bị thay đổi, đào thải hàng loạt. Bằng cấp đại học không còn là “chiếc phao cứu sinh” an toàn như trước.
Quan sát ngoài đường, chúng ta sẽ không khó để bắt gặp rất nhiều các bạn trẻ làm shipper, chạy Grab…full time; trong đó không ít bạn có bằng đại học, kỹ sư…chạy Grab vì không xin được việc làm.
Thực tế hiện nay rất nhiều bạn trẻ, dù tốt nghiệp loại giỏi, cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm: Ra trường, ôm hy vọng rải CV khắp nơi, nhưng rồi phải đối mặt với hiện thực phũ phàng: thị trường cạnh tranh khốc liệt, thất nghiệp, chấp nhận chạy shipper, làm phục vụ, làm trái ngành, trái nghề để trang trải cuộc sống qua ngày.
Đứng trước nguy cơ này, nhiều bạn hoang mang không biết nên học gì, nên theo đuổi con đường nào để có được một công việc ổn định và không lo thất nghiệp hoặc bị AI thay thế!
Thực tế là câu hỏi “Học gì không sợ thất nghiệp?” vốn dĩ không phải là một câu hỏi đúng.
Theo một nghiên cứu gần đây, các loại trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Gemini… được cho là có thể tác động đến khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu. Đặc biệt tập trung cao ở các nhóm ngành nghề như: trợ lý hành chính, văn phòng, pháp lý, kiến trúc, kỹ thuật, tài chính, kế toán, lập trình…
Một dự báo khác đã thống kê rằng: Đến năm 2030, sẽ có khoảng 85% số việc làm mới là những nghề nghiệp chưa từng tồn tại từ trước đến nay!
Vậy thì làm sao chúng ta biết được “học ngành nào, theo nghề gì…” chắc chắn sẽ không thất nghiệp (?!)
Thực tế là với hệ thống đào tạo và giáo dục ở nước ta hiện nay, không một ngành nghề nào cầm chắc tấm vé an toàn trước áp lực do làn sóng AI tạo ra.
Vậy nên, thay vì hỏi: “Học gì mới không sợ thất nghiệp?”
– Hãy hỏi: “Nên HỌC như thế nào?”
Thay vì hỏi: “Làm gì để không thất nghiệp?”
– Hãy hỏi: “Thái độ làm việc ra sao mới không bị đào thải?”
Vì đơn giản, trong thời đại thay đổi không ngừng này, không có ngành học nào đảm bảo cho bạn một công việc ổn định mãi mãi. Kiến thức học vẹt, học chay sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời, không thể theo kịp sự tự động hóa cũng như khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Vậy nên chìa khóa thành công không nằm ở ngành học mà nằm ở cách học và thái độ của mỗi người.
Điều quan trọng là các bạn phải rèn luyện cho mình khả năng học tập suốt đời, tự học, tự mày mò, tự sáng tạo. Hãy biến việc học thành một niềm đam mê, thay vì chỉ học để lấy điểm số, lấy bằng cấp.
Hãy thay đổi cách học ngay từ bây giờ! Tự đặt câu hỏi, tự tìm kiếm câu trả lời thay vì thụ động ghi chép. Thay vì chỉ học thuộc lý thuyết, hãy bắt tay vào ứng dụng thực hành, áp dụng kiến thức vào thực tế qua các dự án, hoạt động ngoại khóa..
Học cách biến kiến thức sách vở thành tri thức của mình. Biến tri thức thành kỹ năng và biến kỹ năng thành năng lực thực sự! Tạo dựng được nền tảng này vững chắc, khó ai có thể thay thế bạn được.
Kiến thức có thể ai cũng như nhau, nhưng kỹ năng và thái độ thì rất khó để AI có thể thay thế.
Vậy nên bên cạnh việc học – hiểu – hành sâu sắc kiến thức, đừng quên trau dồi cho mình những kỹ năng mềm thiết yếu: đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt.
Cuộc sống luôn thay đổi, do vậy bạn cần có khả năng thích nghi nhanh chóng với những điều mới mẻ. Hãy giữ cho mình tư duy cởi mở để học hỏi, tâm thế cầu tiến, luôn không ngừng cập nhật kiến thức và kỹ năng mới để không bị tụt hậu.
Sẽ luôn có những vấn đề bất ngờ xảy ra trong công việc, đừng né tránh thử thách. Bởi đây chính là cơ hội để bạn học cách thích nghi và ứng biến linh hoạt trong đời sống, từ đó rèn cho mình được tư duy quan sát đa chiều và năng lực xử lý vấn đề hiệu quả.
Đừng e sợ thất bại hay lỡ mắc sai lầm: Thất bại hay sai lầm là một phần tất yếu của quá trình học tập và trưởng thành. Hãy coi thất bại là cơ hội để bạn học hỏi và hoàn thiện bản thân.
Tóm lại, “Văn – tư – tu” – Học tập và rèn luyện, nâng cấp bản thân theo chiều sâu suốt đời là chìa khóa giúp bạn “bất bại”, không lo thất nghiệp trong thời đại 4.0.
Hãy biến kiến thức thành giá trị, biến kỹ năng thành sức mạnh, và biến chính mình thành phiên bản tốt đẹp nhất của bản thân, không ngừng nỗ lực, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ đạt được thành công.