Chúng ta không thể phủ nhận được sức mạnh của ngôn từ, nhất là ngôn từ lại kết hợp với thái độ của người nói nữa thì sức công phá lại cực “phũ”. Chúng ta cũng không khó khăn gì khi kể ra một vài trong nhiều trường hợp đã xảy ra án mạng chỉ bở vì ngôn từ, ví như trong thời Tam Quốc Chu Du đã chết ngay giữ trận tiền chỉ bởi bài vè của Gia Cát Khổng Minh.
Bạn có cảm giác thế nào khi nghe những câu kiểu sau:
- Em rất tốt NHƯNG anh rất tiếc
- Chị thấy em có kết quả làm việc ổn NHƯNG MÀ cách làm việc của em có vấn đề
- Ý tưởng của bạn hay đó NHƯNG MÀ tôi không có thời gian
Ở vế đầu, có vẻ như đang đưa ra lời khen, nhưng ngay sau đó, chỉ tập trung vào phần chê bai, đúng không? =)))
Trước đây, mình cũng thường sử dụng “NHƯNG” khi muốn phản hồi cho người khác. Ý tưởng của mình là tìm những điểm tốt trước, sau đó chia sẻ những điểm cần cải thiện. Mình nghĩ rằng việc khen trước rồi mới chê sẽ làm cho người nghe cảm thấy thoải mái hơn. Đồng thời, mình sử dụng từ “NHƯNG/NHƯNG MÀ” để nối liên giữa phần khen và phần chê.
Tuy nhiên, điều mình không nhận ra là từ “NHƯNG/NHƯNG MÀ” thường tạo ra một cảm giác tiêu cực. Nó gần như phủ định hoàn toàn những gì mình nói trước đó, khiến người nghe cảm thấy khó chịu.
Sếp mình đã gợi ý cho mình thử thay từ “NHƯNG” bằng từ “VÀ,” cuộc trò chuyện trở nên tích cực hơn và người nghe dễ dàng tiếp nhận những chia sẻ của mình hơn. Ví dụ:
- Câu “Chị thấy em có kết quả làm việc ổn NHƯNG MÀ cách làm việc của em có vấn đề” có thể đổi thành “Chị thấy kết quả làm việc của em ổn VÀ chị muốn gợi ý thêm cho em một vài ý tưởng để em có thể nâng cao hiệu suất của mình hơn nữa.”
- Câu “Ý tưởng của bạn hay đó NHƯNG MÀ tôi không có thời gian” có thể đổi thành “Ý tưởng của bạn hay đó VÀ tôi chắc chắn sẽ xem xét sau khi tôi hoàn thành công việc này.”
Còn câu “Em rất tốt nhưng anh rất tiếc,” thì… chắc mình cần suy nghĩ kỹ hơn để đưa từ “VÀ” vào đấy. Có ai trong group có ý kiến gì không?