Nhiều người cho rằng việc tu tập hay có “căn tu” là một điều gì đó xa vời, cao siêu, chỉ dành cho những ai xuất gia hay thường xuyên lên chùa.
Thực ra, việc Tu hay có “Căn tu” không có gì bí ẩn hay cao siêu cả.
– “Căn” ở đây chính là nói về “Nghiệp” của mỗi người.
– “Nghiệp”: hiểu đơn giản là thói quen.
Những tư duy, hành động, lời nói được lặp đi lặp lại theo tần suất nhất định nào đó, lâu dần sẽ thành thói quen – Đó chính là “nghiệp”.
Do đó, ai cũng có “căn”, cũng có “nghiệp”.
Càng lặp đi lặp lại một tư duy, thói quen hay hành vi nào đó thì Căn nghiệp đó càng sâu dày.
Vậy, “Tu” là gì?
– “Tu” chính là “sửa mình”, trọn vẹn rõ biết mình.
Người được gọi là có “căn tu” đơn giản là người trong nhiều kiếp sống trước hoặc ngay cả trong đời sống hiện tại, luôn có ý thức tự soi chiếu, rõ biết, tu sửa bản thân, sống trọn vẹn với thực tại.
Và vì luôn rõ biết mình, vậy nên người đó sẽ càng ngày càng có sự tỉnh táo, sáng suốt, có tư duy, lời nói, hành động, thói quen đúng tốt, hướng thiện, lợi mình, lợi người, lợi chúng sinh.
Nhiều người cho rằng người tu tập hoặc người có căn tu là người có vẻ ngoài xinh đẹp, phúc hậu, thường xuyên gặp may mắn, an lành, gia đình hạnh phúc.
Hoặc cho rằng biểu hiện của người có tu tập chính là xuất gia, hay lên chùa, thường xuyên thiền định, tụng kinh, trì chú, ăn chay, niệm Phật, phóng sanh, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên…
Thực tế, tất cả những biểu hiện trên không phản ánh đúng và toàn diện bản chất cốt lõi của việc tu tập.
Thời Đức Phật tại thế, có những vị thánh giác ngộ có hình tướng rất dữ tợn; có vị trước khi giác ngộ còn là tướng cướp hại người; có vị còn là người gánh p.h.â.n xuất thân hèn kém, có vị cuộc đời trải qua muôn vàn đau khổ…
Vậy thì tướng mạo hay sự giàu có thuận lợi đâu nhất định thể hiện cho việc người đó có căn tu hay không.
Lại có nhiều người, thường xuyên đi chùa, thắp nhang, ăn chay trường, cả ngày tụng kinh trì chú, theo Pháp môn này, Pháp môn kia, rất miên mật… Thế nhưng hễ ai động chạm đến Pháp môn của mình thì lập tức nổi giận, tranh cãi hơn thua, luôn cho rằng Pháp mình tu, thầy mình theo là ưu việt, xuất chúng hơn.
Càng “tu” càng thấy mình đúng, người sai.
Càng “tu” lại càng phân biệt, càng chấp niệm vào tôn giáo, phương pháp, giáo lý…
Càng “tu” càng thấy mình thanh cao hơn người…
Đó là biểu hiện của việc đang đi sai con đường rồi.
Vậy nên, chưa chắc cứ lên chùa, thiền định, ăn chay niệm Phật nghĩa là đang tu hay đang tu đúng mà còn phải xem thêm nhiều yếu tố khác nữa.
Sau đây, cùng tìm hiểu 7 dấu hiệu nhận biết một người tu tập chân chính và đang tu đúng:
1. Sống giản dị
Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, nơi vật chất phồn hoa che lấp đi những giá trị tinh thần, sống giản dị chính là biểu hiện của một tâm hồn thanh tịnh, cho thấy một người đang trên con đường tu tập đúng đắn.
Người tu tập đúng là người không tự làm phức tạp hóa cuộc sống của mình bằng những nhu cầu và ham muốn vô độ. Họ cũng không chìm đắm trong vật chất, mê muội chạy đua theo những thứ xa hoa, phù phiếm.
Họ chỉ tiêu dùng những gì thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình và gia đình. Bởi họ hiểu rõ bản thân, biết mình cần gì và trân trọng những gì mình đang có.
Lối sống giản dị cũng thể hiện qua cách cư xử, giao tiếp của họ. Người có căn tu là người suy nghĩ đơn giản, chân thành. Lời nói của họ giản dị, dễ hiểu, không khoa trương hay bóng bẩy. Họ không tìm cách lấp liếm, che đậy bản thân bằng những ngôn từ hoa mỹ, không thiết thực.
Hơn ai hết, họ hiểu rằng, càng có nhiều sự lựa chọn, càng sở hữu nhiều của cải, vật chất, con người càng mất đi tự do và càng ít hạnh phúc hơn.
2. Ngăn nắp, sạch sẽ
Sống gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ cũng là một biểu hiện của người có căn tu và đang tu đúng.
Nhiều người chăm chỉ đi chùa, ăn chay, cầu nguyện, làm công quả, nhưng lại bỏ bê chính không gian sống của mình. Họ khoác lên mình vẻ ngoài xinh đẹp, sáng sủa, đạo mạo, nhưng bên trong căn nhà của họ lại là sự bừa bộn, lộn xộn.
Điều này cũng phần nào thể hiện sự rối ren và hỗn loạn bên trong tâm trí của họ.
“Tu là sửa mình”, tu không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn ở ý thức giữ gìn sự ngăn nắp, vệ sinh cho bản thân và môi trường, mọi người xung quanh.
Người tu chân chính hiểu rằng, tu tập bắt đầu từ chính ngôi nhà mình ở, nơi làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Vậy nên họ luôn ý thức giữ gìn sự ngăn nắp, gọn gàng, sạch đẹp không chỉ cho bản thân, mà còn cho tổ ấm của mình và cho môi trường, mọi người xung quanh.
3. Tĩnh lặng, không tụ tập thị phi
Giữa ồn ào náo nhiệt của cuộc sống, tĩnh lặng là nơi ta tìm về chốn bình yên cho tâm hồn. Người có căn tu là người biết trân trọng sự tĩnh lặng, không tham gia những việc ồn ào thị phi.
Nhiều người dành thời gian cho những cuộc tụ tập, buôn chuyện, bàn tán thị phi (đặc biệt trên Mạng xã hội), để rồi vướng vào những mâu thuẫn, hiểu lầm, đua tranh vô nghĩa. Vô tình đánh mất sự an yên nội tâm và lãng phí thời gian quý báu của cuộc đời mình.
Người tu chân chính là người hiểu được giá trị của sự tĩnh lặng. Họ dành thời gian cho bản thân, để suy ngẫm, để lắng nghe tiếng nói bên trong và kết nối với tâm hồn của mình. Nhờ đó mà họ có thể sống thanh thản và bình an, không để bản thân bị ảnh hưởng bởi những năng lượng và kết nối tiêu cực, không phù hợp.
4. Thích nghi với mọi hoàn cảnh
“Hạnh phúc không phụ thuộc vào hoàn cảnh mà phụ thuộc vào thái độ của mỗi người.”
Giữa dòng đời biến đổi không ngừng, khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh là phẩm chất quý giá của người có căn tu, giúp họ luôn giữ được sự an lạc nơi tâm hồn.
Nhiều người bị chi phối bởi những điều kiện vật chất, luôn đòi hỏi sự ưu tiên và cảm thấy khó chịu khi mọi thứ không như ý muốn. Họ đánh mất sự bình yên và tự do nội tâm, khiến cuộc sống của chính mình và người thân trở nên nặng nề và mệt mỏi.
Người tu chân chính hiểu rằng hạnh phúc không nằm ở vật chất hay ngoại cảnh, mà xuất phát từ nội tâm. Họ trân trọng với mọi điều mình đang có. Dù là nhà cao cửa rộng hay nhà dột, đơn sơ; dù là cao lương mỹ vị hay cơm hẩm dưa hành họ cũng an lòng đón nhận.
5. Khiêm nhường
“Giá trị đích thực của một người nằm ở phẩm chất bên trong chứ không phải vẻ ngoài hay những thứ họ sở hữu.”
Giữa xã hội xô bồ, nơi con người dễ bị choáng ngợp bởi vật chất, sự khiêm nhường là phẩm chất quý giá của người có căn tu, thể hiện giá trị thực sự của bản thân.
Nhiều người cố gắng chứng tỏ bản thân bằng những thứ hào nhoáng bên ngoài như tiền tài, danh vọng, địa vị. Họ khoe khoang về những gì mình có, tự hào về những mối quan hệ, những thành tựu đã đạt được, và không ngừng so sánh bản thân với người khác.
Thực chất, càng khoe khoang hay càng nói nhiều về những thứ bên ngoài, càng cho thấy nội tâm bên trong đang trống rỗng, thiếu thốn và nhiều bất an.
Người tu chân chính hiểu rằng, giá trị thực sự của một người nằm ở phẩm chất bên trong chứ không phải những thứ giả tạm bề ngoài.
Họ biết giá trị của mình ở đâu, vậy nên họ không tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài, không bám chấp vào những thứ vật chất, không khoe khoang về những gì mình có. Họ là người luôn trân trọng giá trị của bản thân và của người khác.
6. Đối đãi với mọi người/vật bình đẳng
Người có căn tu sâu dày, nội tâm càng ít có sự phân biệt.
Họ là người đã hiểu được lẽ vô thường của cuộc đời, cũng như chấp nhận được sự thật rằng vạn vật trên thế giới này đều có sinh nghiệp và hành trình riêng.
Vậy nên, họ cũng sẽ không có suy nghĩ phân biệt người này và người kia; việc này và việc kia; đặc biệt càng không phân biệt Pháp môn này cao cấp hơn Pháp môn kia, tôn giáo này ưu việt hơn tôn giáo kia…
Với họ, tất cả mọi người đều bình đẳng, đều xứng đáng được yêu thương và tôn trọng. Họ tôn trọng sự khác biệt của mọi người, không so sánh bản thân với người khác. Họ luôn đối đãi với mọi người bằng sự chân thành, lòng từ bi và sự thấu hiểu.
7. Có khả năng sống “một mình”
“Hạnh phúc đích thực không đến từ bên ngoài, mà đến từ chính bên trong mỗi con người.”
Người có căn tu chính là người có khả năng sống “một mình”.
Sống “một mình” không có nghĩa là phải xa lánh thế gian, lên núi ở ẩn, mà là khả năng đối diện với chính bản thân, với những cảm xúc và suy nghĩ nội tâm.
Đó là sự can đảm để nhìn nhận những vấn đề, những bất toàn của bản thân mà không trốn tránh hay tìm cách lấp đầy bằng những thứ bên ngoài.
Nhiều người sợ hãi sự cô đơn, sợ hãi đối diện với chính mình. Họ lấp đầy thời gian bằng công việc, bằng những hoạt động giải trí, bằng những mối quan hệ, để che đậy sự trống rỗng bên trong.
Thế nhưng họ không biết rằng đau khổ và mâu thuẫn xảy ra là bởi con người không chấp nhận và tìm cách trốn chạy chính mình.
Người tu chân chính hiểu rằng, hạnh phúc đích thực đến từ bên trong, từ sự thấu hiểu và chấp nhận bản thân. Họ dũng cảm đối diện với những vấn đề, những bất toàn của chính mình. Họ không còn phụ thuộc vào những thứ bên ngoài để tìm kiếm niềm vui và sự an lạc.
Khi một người biết quay về đối diện với chính mình, chấp nhận chính mình, cũng là lúc họ buông bỏ được những mong cầu và phụ thuộc vào thế giới bên ngoài; Đó là lúc họ tìm thấy được sự tự do và bình an đích thực.
—
“Căn tu” không phải là một đặc ân hay bí ẩn xa xôi mà là kết quả của quá trình hình thành từ ý thức sống trọn vẹn với thực tại, rõ biết chính mình, soi chiếu và tu sửa bản thân.
Bằng cách bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp và hướng đến lối sống, hành vi hướng thiện, mỗi người đều có thể bước trên con đường tu tập đúng đắn, nhận ra bình an vốn dĩ bên trong mình và hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát.